Cùng với sự thay đổi của thời tiết là điều kiện lý tưởng để các loại virus, vi khuẩn phát triển và gây bệnh, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Trong đó, căn bệnh tiêu chảy cấp do Virus Rota đang “rậm rịch” đang xuất hiện nên các bậc phụ huynh cần đặc biệt lưu ý.
1. Nguyên nhân lây nhiễm Virus Rota ở trẻ nhỏ
Trong số các nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy ở trẻ thì Rotavirus là nguyên nhân có tỷ lệ nhập viện cao gấp 3 lần so với các nguyên nhân khác. Virus này đặc biệt sinh sôi phát triển vào mùa mưa hoặc do môi trường ô nhiễm.
Tiêu chảy do Virus Rota rất dễ lây lan và có thể truyền từ người này sang người khác thông qua tiếp xúc bên ngoài qua tay hay qua các đồ vật. Gần như tất cả trẻ em đều có nguy cơ nhiễm Rotavirus. Trong đó, trẻ em từ 6 đến 24 tháng có nguy cơ nhiễm cao nhất do chưa có sức đề kháng với virus do độ tuổi này các bé đang tò mò khám phá thế giới xung quanh bằng cách ngậm, liếm đồ chơi.
Đường lây truyền chính của Virus Rota là đường phân – miệng. Cụ thể, bạn sẽ bị nhiễm virus nếu tiếp xúc với phân của người bệnh hoặc các đồ vật bị nhiễm phân của họ sau đó chạm vào miệng. Cũng có thể lây nhiễm thông qua việc ăn thực phẩm hoặc nguồn nước uống bị nhiễm virus.
2. Các triệu chứng thường gặp khi trẻ bị tiêu chảy do Virus Rota
Bệnh do nhiễm Virus Rota khá phổ biến ở Việt Nam. Tuy nhiên chúng lại dễ bị nhầm lẫn với tiêu chảy do các nguyên nhân khác. Do đó, nhiều phụ huynh chủ quan, không phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Theo thống kê của UNICEF và WHO, virus Rota gây ra 40% số ca nhập viện do tiêu chảy ở trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn cầu. Mỗi năm có 100 triệu ca tiêu chảy cấp và 350.000 đến 600.000 ca tử vong vì loại virus này.
Ba mẹ nên lưu ý khi trẻ có những triệu chứng sau để có biện pháp xử lý kịp thời:
- Tiêu chảy kèm theo sốt: trẻ sơ sinh dưới ba tháng sốt trên 38 độ, trẻ sơ sinh từ 3 tháng đến ba tuổi sốt trên 39 độ.
- Nôn mửa liên tục, không thể ăn hoặc uống.
- Đau bụng dữ dội không thuyên giảm.
- Các biểu hiện mất nước như khô miệng, khát nước, khóc không ra nước mắt…
- Tiểu không hết hoặc không thể đi tiểu trên 4 giờ.
- Tình trạng tinh thần kém hoặc hôn mê.
- Chất nôn hoặc phân màu cà phê, nghi ngờ có máu trong chất nôn hoặc phân.
Khi cùng lúc vừa bị nôn và tiêu chảy, trẻ dễ bị mất nước nếu không được chăm sóc thích hợp. Biến chứng nguy hiểm của bệnh là khô kiệt do mất nước và mất muối. Từ đó rất dễ dẫn đến trụy mạch và tử vong nếu không được bù nước kịp thời. Vậy nên, điều quan trọng nhất khi trẻ nhiễm bệnh là cha mẹ phải nhận biết được các triệu chứng mất nước: da lạnh, hôn mê, mắt trũng sâu, khô miệng, cảm giác khát nước, hoa mắt khi đứng.
Thời gian ủ bệnh từ 1-7 ngày, trung bình 2-3 ngày kể từ khi virus xâm nhập vào cơ thể. Thời kỳ lây truyền có thể kéo dài tới 3 tuần, tuy nhiên thường khoảng 7-8 ngày kể từ lúc bệnh bắt đầu. Trẻ em đã từng nhiễm Virus Rota rồi thì hoàn toàn có thể mắc lại hay lặp lại nhiều lần. Tuy nhiên, lần nhiễm đầu thường nghiêm trọng nhất.
3. Các biện pháp phòng tránh tiêu chảy do nhiễm Virus Rota
Dù y học ngày càng tiến bộ nhưng đến hiện nay vẫn chưa tìm ra thuốc đặc trị cho Virus Rota. Vì vậy mà điều quan trọng là phòng tránh sớm bằng 6 cách sau đây:
- Sử dụng vaccine: theo khuyến cáo của WHO, nên uống dự phòng vaccine Rota cho trẻ từ 2 tháng tuổi.
- Thường xuyên quan tâm đến vệ sinh cá nhân, rửa tay trước bữa ăn. Đặc biệt là rèn luyện thói quen rửa tay cho trẻ. Cha mẹ cũng nên rửa tay kịp thời sau khi giúp con đi đại tiện.
- Đảm bảo vệ sinh nguồn nước, không ăn các loại thịt sống hoặc chưa nấu chín, rửa sạch rau quả trước khi ăn sống.
- Tránh tiếp xúc gần với bệnh nhân bị viêm dạ dày ruột cấp tính hoặc tiêu chảy.
- Đồ chơi và đồ dùng cá nhân của trẻ cần được khử trùng thường xuyên.
- Quản lý phân, xử lý phân thật tốt (dùng hố xí tự hoại, hố xí 2 ngăn), không dùng phân tươi bón cây cối, hoa quả.
Ngoài ra, cũng nên có chế độ dinh dưỡng hợp lý, sinh hoạt lành mạnh, rèn luyện thói quen tập thể dục từ nhỏ để trẻ tăng cường hệ miễn dịch. Từ đó làm giảm nguy cơ lây nhiễm cũng như tác hại của Virus Rota.
CS1: PHÒNG KHÁM ĐA KHOA DR. BINH TELE_CLINIC
Số 11-13-15 Trần Xuân Soạn, P. Phạm Đình Hổ, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội
Hotline: 19009204
Email: info@drbinh.com – Website: www.drbinh.com
Facebook: www.facebook.com/biquyetchamsocsuckhoe
CS2: PHÒNG KHÁM ĐA KHOA 365 MEDIHOME THĂNG LONG
Tầng 1, Tòa nhà điều hành, Khu Công Nghiệp Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội
Hotline: 1900 9204
Website: https://thanglong.365medihome.com.vn/
Facebook: https://www.facebook.com/365medihome/