Giờ đây, bệnh nhân N.V.Q ước rằng mình đã điều trị tăng huyết áp triệt để sớm hơn, để không phải đối mặt với những biến chứng nguy hiểm của căn bệnh này…

 

Huyết áp cao nhưng không uống thuốc – Nguy hiểm rình rập

Bệnh viện Việt Đức vừa tiếp nhận ông N.V.Q., 55 tuổi, sống ở Hải Phòng nhập viện trong tình trạng đau ngực. Sau khi thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị phình động mạch chủ bụng. Bệnh nhân có tiền sử mắc các bệnh lý tim mạch nặng, đa bệnh lý gồm sỏi thận, cột sống, gout, huyết áp cao.

Khai thác bệnh sử cho biết, 10 năm nay, huyết áp của ông Q. cao liên tục nhưng ông không uống thuốc thường xuyên dẫn đến việc điều trị không có hiệu quả. Bên cạnh đó, ông Q. còn có nhiều bệnh lý nền đi kèm như rối loạn chuyển hóa liên quan đến ăn uống và sinh hoạt.

Sau khi được theo dõi và kiểm tra toàn bộ hệ cơ quan trong cơ thể, các bác sĩ phát hiện ông Q. có tổn thương hẹp 60-70% 2/3 nhánh động mạch vành.

Theo các bác sĩ, tổn thương động mạch cả ở bụng và ngực của bệnh nhân đều là những tổn thương rất nguy hiểm. Với trường hợp của ông Q., tổn thương được phát hiện là do hậu quả nặng nề của bệnh tăng huyết áp không được điều trị.

Huyết áp cao dễ là nguy cơ dẫn đến mắc bệnh về tim mạch

Cũng như bệnh nhân Q., bệnh nhân N.V.X., 68 tuổi, sống ở Vĩnh Phúc đi khám chuyên khoa tiêu hóa vì cảm thấy đau bụng quanh rốn. Người bệnh đã được các bác sĩ đã tiến hành thăm khám, thực hiện các chỉ định cận lâm sàng và phát hiện bị phình hình thoi động mạch chủ bụng dưới thận.

Điều đáng nói, ông X. không tin mình bị tăng huyết áp và cho rằng ở nhà có đo huyết áp nhưng không phát hiện được cơn tăng huyết áp.

Ngay khi nhập viện, chỉ số huyết áp đo được trung bình sau 3 lần của người bệnh là 150/90mmHg. Ông X. đã được đo huyết áp thường xuyên và ghi holter huyết áp để loại trừ người bệnh tăng huyết áp do tâm lý khi tiếp xúc với nhân viên y tế (tăng huyết áp áo choàng trắng). Kết quả, ông bị tăng huyết áp độ II.

Như vậy, chính thói quen đo huyết áp chưa đúng cách đã khiến người bệnh chủ quan và không phát hiện ra mình bị tăng huyết áp.

Bên cạnh bệnh phình động mạch chủ bụng, khi siêu âm tim các bác sĩ phát hiện ông X. bị giãn động mạch chủ ngực – một hậu quả nữa do bệnh tăng huyết áp gây ra.

Tuy chưa đến mức phải can thiệp cấp cứu nhưng nếu ông X. không kiểm soát huyết áp thì động mạch chủ ngực cũng có thể giãn to hơn làm hở van động mạch chủ ngực hoặc phình động mạch chủ ngực.

Đừng để nhập viện do chủ quan với tăng huyết áp, không điều trị triệt để bệnh

Trường hợp bệnh nhân X., bệnh nhân Q. chỉ là một trong số rất nhiều người bệnh tăng huyết áp phải nhập viện do chủ quan, không điều trị triệt để bệnh.

Theo các chuyên gia, đa số các trường hợp phình động mạch chủ là do tăng huyết áp. Vì thế, với người phình động mạch chủ, kiểm soát huyết áp là điều cực kỳ quan trọng để ngăn chặn những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Tăng huyết áp là căn bệnh rất nguy hiểm nhưng lại thường ít triệu chứng thể hiện, khiến cho nhiều người không phát hiện ra bệnh kịp thời mà chỉ tình cờ phát hiện khi đi khám một bệnh lý khác. Nhưng những biến chứng của tăng huyết áp lại rất nguy hiểm, khó lường, thậm chí gây tử vong.

Các bác sĩ khuyến cáo người trưởng thành cần thường xuyên đo kiểm tra huyết áp đúng cách để phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp

Bệnh tăng huyết áp là một bệnh mạn tính. Để ngăn ngừa lâu dài các biến chứng, người bệnh phải kiểm soát tốt huyết áp, bằng cách áp dụng lối sống khoa học và tuân thủ thuốc điều trị của bác sỹ.

Theo đó, người bệnh phải có chế độ ăn hợp lý, duy trì cân nặng lý tưởng với chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 18,5 đến 22,9, tích cực giảm cân (nếu quá cân), hạn chế uống rượu, bia, ngừng hoàn toàn việc hút thuốc lá hoặc thuốc lào, tăng cường tập thể dục, đi bộ, đi xe đạp hoặc vận động ở mức độ vừa phải, đều đặn khoảng 30-60 phút mỗi ngày; tránh lo âu, căng thẳng thần kinh, bị lạnh đột ngột.

Đặc biệt theo lời khuyên của bác sĩ, người trưởng thành cần thường xuyên đo kiểm tra huyết áp đúng cách để phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp; uống đúng thuốc, đủ liều, đều đặn theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Không tự ý dừng thuốc, thay đổi thuốc, tăng hoặc giảm liều; đo huyết áp ít nhất mỗi ngày hai lần và ghi vào sổ theo dõi huyết áp giúp cán bộ y tế theo dõi, đánh giá kết quả điều trị; khám lại theo lịch hẹn của cán bộ y tế hoặc đến ngay cơ sở y tế khi có dấu hiệu bất thường (đau đầu, khó thở, chóng mặt, buồn nôn, mặt đỏ,…) trong quá trình điều trị.

Để đăng ký nhận tư vấn điều trị qua video và có bác sĩ, đội ngũ chuyên gia theo dõi, quản lý, chăm sóc dài hạn bệnh Tăng huyết áp mãn tính tại nhà, hãy liên hệ hotline 19009204 của  Phòng khám đa khoa online 365 Medihome hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

Nguồn: Suckhoedoisong