Chuyên gia Bệnh viện Nhi TW khuyển cáo trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi thuộc nhóm chống chỉ định tiêm vaccine khi đã có tiền sử phản vệ với vaccine phòng COVID-19 hoặc các thành phần của vaccine; trẻ phải trì hoãn tiêm là trẻ đang có bệnh cấp tính, mạn tính tiến triển hoặc các vấn đề khác phải trì hoãn…

Tại hội nghị tập huấn tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi do Bộ Y tế tổ chức hôm qua, TS Lê Kiến Ngãi – Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi TW chia sẻ, thông qua việc triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 ở các quốc gia đối với nhóm trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi cho thấy các phản ứng xảy ra không có sự khác biệt nhiều so với nhóm trẻ lớn từ 12-17 tuổi và người lớn.

tiem phong vaccine cho tre tu 5 12 tuoi
Hiện có 2 loại vaccine phòng COVID-19 đã được Bộ Y tế đưa vào tiêm cho trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi là vaccine Pfizer (tiêm cho trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi) và vaccine Moderna (tiêm cho nhóm từ 6 – dưới 12 tuổi).

“Mục tiêu quan trọng nhất là làm sao tiêm vaccine phòng COVID-19 được cho nhiều trẻ đủ điều kiện nhất, nhưng phải đảm bảo tiêm đến đâu an toàn đến đó”- TS Lê Kiến Ngãi nói, đồng thời đưa ra hướng dẫn cụ thể cho các địa phương về trường hợp trẻ ở nhóm từ 5 – dưới 12 tuổi chống chỉ định tiêm chủng, cần trì hoãn, thận trọng khi tiêm.

Trước tiên là phải khám sàng lọc kỹ các đối tượng trước khi tiến hành tiêm cho trẻ. Theo đó, nhóm trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi chống chỉ định tiêm chủng là nhóm có tiền sử phản vệ với vaccine phòng COVID-19 hoặc các thành phần của vaccine.

Đối tượng cần trì hoãn tiêm chủng là nhóm trẻ đang có bệnh cấp tính, mạn tính tiến triển hoặc các vấn đề khác phải trì hoãn.

Cụ thể, trẻ có bệnh mạn tính hoặc các bệnh cấp tính tiến triển như đang có sốt, đang có tình trạng nhiễm trùng; trong đợt điều trị của bệnh mạn tính như đang hóa trị ung thư… thì cần trì hoãn cho đến khi kết thúc tình trạng bệnh cấp tính, mạn tính, hoặc kết thúc đợt điều trị của bệnh mạn tính.

Bên cạnh đó, TS Ngãi thông tin, Hội đồng tư vấn đã đồng thuận đưa ra khuyến cáo với trẻ từng mắc COVID-19 cần trì hoãn tiêm trong thời gian 3 tháng kể từ ngày khởi phát bệnh. Tuy nhiên, tùy từng huống cụ thể, các đơn vị tiêm chủng có thể xem xét hoàn cảnh từng cá nhân, so sánh giữa lợi ích của việc tiêm và không tiêm để quyết định trẻ có cần tiêm sớm hơn thời gian 3 tháng này không. Nhưng việc này phải được sự đồng thuận của cha mẹ, người chăm sóc.

Chuyên gia của Bệnh viện Nhi TW cũng cho biết, thời gian gần đây đã xuất hiện một số trẻ sau mắc COVID-19 gặp hội chứng viêm đa cơ quan MIS-C (tình trạng các bộ phận cơ thể khác nhau có thể bị viêm, bao gồm tim, phổi, thận, não, da, mắt hoặc các cơ quan tiêu hóa). Hội đồng tư vấn khuyến cáo, khi trẻ có MIS-C, cần trì hoãn đến khi bệnh nhi hồi phục hoàn toàn tình trạng bệnh lý này.

Nếu trẻ đã có tình trạng viêm đa cơ quan sau COVID-19 thì phải được thăm khám, theo dõi tại cơ sở khám chữa bệnh để chắc chắn không còn biểu hiện lâm sàng; các bộ phận đều hồi phục hoàn toàn mới có thể tiêm vaccine phòng COVID-19

TS Ngãi cũng lưu ý: Những đối tượng phải khám, sàng lọc, tiêm tại bệnh viện từ tuyến huyện trở lên ngoài trường hợp từng có hội chứng MIS-C còn các trẻ mắc bệnh bẩm sinh mạn tính, khám sàng lọc thấy tim phổi bất thường hoặc khi khai thác tiền sử thấy trẻ có tiền sử phản vệ độ 3 với bất kỳ dị nguyên nào (thức ăn, thuốc…).

Các trường hợp cần thận trọng tiêm chủng là nhóm trẻ tiền sử dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào; bé rối loạn về tri giác, gặp hội chứng tâm lý đám đông, tăng động, giảm chú ý…

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *