Một trong những triệu chứng thần kinh phổ biến nhất được ghi nhận ở giai đoạn hậu Covid-19 là sương mù não, giảm trí nhớ. Thực tế, sau khi mắc Covid-19, nhiều người đi làm trở lại trong tình trạng “não cá vàng”, làm việc không hiệu quả, ảnh hưởng nhiều đến đời sống.
Hội chứng “sương mù não”
Một số nghiên cứu cho thấy, có tới 60 – 80% bệnh nhân bị giảm trí nhớ, suy nghĩ chậm chạp sau khi mắc Covid-19 và tình trạng này có thể kéo dài.
Đó là hội chứng “sương mù não” khiến bệnh nhân cảm thấy đầu óc mụ mẫm, như thể có một làn sương mù không thể xuyên thủng ngăn chặn khả năng suy nghĩ. Về cơ bản, khi “sương mù não” xảy ra, não không hoạt động tốt như mong đợi. Sự bất thường đó có thể ảnh hưởng đến trí nhớ, kỹ năng thị giác và không gian, chức năng điều hành và khả năng xử lý thông tin. Khi các chức năng thiết yếu của não bị suy giảm, chúng ta sẽ khó tập trung, thậm chí khó ghi nhớ những điều đơn giản.
Hiện tượng “sương mù não” thường xảy ra cùng với các triệu chứng Covid-19 kéo dài khác như mệt mỏi, hụt hơi, khó thở, chất lượng giấc ngủ kém… Chị Thu Hoài (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Sau khi khỏi Covid-19, tôi đi làm lại nhưng thường xuyên bị mất tập trung, “nhớ nhớ quên quên”. Với công việc kế toán, thường xuyên phải làm việc với những con số, suy nghĩ chậm chạp, hay quên gây ảnh hưởng khá lớn đến công việc của chị Hoài. Ngay trong sinh hoạt thường ngày, chị cũng thường xuyên quên vị trí cất chìa khóa, ví tiền, thậm chí kính đeo trên mắt nhưng vẫn đi tìm.
Đây cũng là tình trạng của nhiều người sau khi khỏi Covid-19 dù chỉ có triệu chứng nhẹ. Hội chứng “sương mù não” đi cùng với việc mất ngủ, trí nhớ suy giảm, hay bị hụt hơi khiến công việc và cuộc sống sinh hoạt bị xáo trộn, người luôn cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng.
Một số cách khắc phục
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, chuyên gia điều trị rối loạn hệ thần kinh thực vật, Trung tâm oxy cao áp Việt – Nga, Bộ Quốc phòng, cho biết: “Tình trạng “sương mù não” – thuật ngữ chỉ các triệu chứng liên quan đến tình trạng rối loạn hệ thần kinh thực vật, thiếu máu lên não thường gặp ở các bệnh nhân đến khám sau khi khỏi Covid-19”.
Tình trạng này ảnh hưởng đến trí nhớ và suy nghĩ, những người mắc thường cảm thấy khó tập trung, thiếu minh mẫn. Thông thường, bệnh nhân đến khám không chỉ có hiện tượng “sương mù não” mà còn kèm thêm triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật, hồi hộp, tay chân run, đặc biệt là hầu hết đều thiếu máu não.
Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu nguyên nhân tiềm ẩn gây ra chứng “sương mù não”. Hiện đã xác định được một số nguyên nhân như thiếu oxy não do tổn thương phổi; rối loạn tự miễn dịch khiến hệ thống miễn dịch tấn công các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể; đột quỵ não.
Ngoài ra, “sương mù não” còn do làm việc quá sức, thiếu ngủ, căng thẳng. Việc dùng thuốc hay tình trạng sức khỏe (liên quan đến viêm nhiễm, mệt mỏi hoặc thay đổi mức đường huyết), thậm chí sự thiếu hụt hoặc không đủ chất dinh dưỡng cũng góp phần gây ra “sương mù não”.
Trong quá trình tư vấn cho bệnh nhân mắc Covid-19, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng nhận thấy số bệnh nhân có hiện tượng “sương mù não” chiếm khoảng 20 – 30%, chủ yếu là người lớn tuổi (50 trở lên), người trẻ ít gặp tình trạng này hơn. Bác sĩ cho biết, những người bị “sương mù não” có triệu chứng nhẹ thì có thể tự khắc phục bằng cách đi bộ, chơi các môn thể thao nhẹ nhàng để giảm căng thẳng. Ngoài ra, có thể giúp trí não hoạt động nhiều hơn bằng cách đọc sách, chơi những trò chơi trí tuệ (cờ, giải ô chữ…); nên hạn chế xem ti vi; nghe nhạc hay radio nhiều hơn. Bệnh nhân có thể bổ sung các loại thuốc tăng cường tuần hoàn não, thuốc hoạt huyết. Hằng ngày, cần bổ sung các loại rau, trái cây…, hạn chế dùng thịt đỏ và các loại đồ uống có chất kích thích như bia, rượu, cà phê. Bên cạnh đó, ngủ đủ giấc, uống đủ nước, ăn uống đủ dinh dưỡng cũng là “chìa khóa” quan trọng giúp dần loại bỏ triệu chứng Covid-19 kéo dài như mệt mỏi, hụt hơi khó thở, “sương mù não”. Khi có những biểu hiện bất thường về nhận thức, giảm trí nhớ, giảm sự tập trung và khó biểu đạt được ý nghĩ, cảm xúc, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để khám và được tư vấn về cách điều trị.