Xơ gan là tình trạng các tế bào gan bị tổn thương liên tục trong một thời gian dài, các mô sẹo sẽ liên tục thay thế các mô bị tổn thương dẫn tới xơ gan. Khi các mô sẹo xuất hiện ngày càng nhiều sẽ ngăn chặn dòng máu lưu thông qua gan, làm suy giảm chức năng gan nghiêm trọng.
Bệnh xơ gan là gì?
Xơ gan được xác định như một quá trình gan bị tổn thương, quá trình lâu dài tạo nên các mô xơ, mô sẹo ảnh hưởng đến chức năng gan. Đây là kết quả cuối cùng của quá trình tăng sinh xơ xuất hiện cùng các tổn thương gan mạn tính.
Bệnh xơ gan tiến triển qua nhiều giai đoạn và chia thành các mức độ gồm: F1, F2, F3, F4. Trong đó, F1 là mức độ nhẹ, F2 là trung bình và F3, F4 là cấp độ nặng. Nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn F1, F2 thì có thể điều trị dứt điểm.
Nhưng khi xơ gan chuyển sang giai đoạn F3, F4 sẽ rất khó điều trị khỏi hoàn toàn, lúc này việc điều trị chỉ giúp kiểm soát triệu chứng, hạn chế bệnh tiến triển, kéo dài tuổi thọ cho người bệnh.
Những nguyên nhân bệnh xơ gan
Theo các chuyên gia Y tế, yếu tố gây bệnh rất đa dạng nhưng nguyên nhân xơ gan thường gặp nhất là do:
- Do virus: Bệnh viêm gan B, C nếu không được điều trị trong thời gian dài hoặc chữa không đúng cách sẽ gây ra xơ gan và các tổn thương gan nghiêm trọng khác.
- Nhiễm ký sinh trùng: Thói quen ăn uống không khoa học, mất vệ sinh khiến người bệnh dễ nhiễm ký sinh trùng sán lá gan và tăng nguy cơ bị xơ gan.
- Bệnh di truyền: Bệnh Hemochromatosis, Wilson gây tích tụ sắt, đồng trong cơ thể và dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tăng.
- Nhiễm hóa chất độc hại: Một số chất độc như thạch tín, thủy ngân,… dễ gây bệnh xơ gan khi xâm nhập vào cơ thể trong thời gian dài.
- Lạm dụng rượu bia, thuốc lá: Lượng độc tố lớn trong bia rượu, thuốc lá không được gan đào thải hết sẽ tích tụ, gây suy giảm chức năng gan.
- Nguyên nhân gây xơ gan khác: Béo phì, dùng quá liều thuốc Acetaminophen, nghẽn ống dẫn mật,…
Bên cạnh việc tìm hiểu chi tiết về nguyên nhân xơ gan thì bệnh nhân cũng cần đặc biệt chú ý đến triệu chứng của bệnh để thăm khám kịp thời.
Các triệu chứng bệnh xơ gan điển hình
Khi bị xơ gan, người bệnh sẽ thấy cơ thể xuất hiện các các triệu chứng cụ thể ở từng giai đoạn như sau:
- Giai đoạn xơ gan mức độ nhẹ, trung bình (F1, F2):
– Bệnh nhân thấy đầy bụng, khó tiêu, cơ thể mệt mỏi, thường bị sốt nhẹ vào buổi chiều tối
– Nước tiểu chuyển màu vàng đậm, sắc tố da ở bàn tay, bàn chân vàng hơn
– Đau cấp tính tại phần bụng hạ sườn bên phải, cơn đau do bệnh xơ gan không diễn ra thường xuyên
– Chảy máu cam, chảy máu chân răng
– Móng tay, móng chân khô lại, màu trắng hơn
- Giai đoạn xơ gan độ nặng (F3, F4):
– Rối loạn tiêu hóa nặng, khi đi ngoài phân chuyển màu đen. Người bệnh cũng thấy buồn nôn, nôn ra máu.
– Bệnh nhân xơ gan có dịch tích tụ ở bàn chân gây phù chân, khi ấn vào chân bị lõm nhưng phải mất từ 1 – 2 phút vết lõm mới mất đi.
– Bụng to lên, ứ dịch cổ trướng, ấn vào thấy đau dữ dội
– Vùng da người bệnh xơ gan bị vàng không chỉ xuất hiện ở bàn tay, bàn chân mà còn lan rộng ra toàn thân
– Tăng nhịp tim và thường xuyên thấy chóng mặt, dễ ngất xỉu
Người bệnh cần sớm phát hiện triệu chứng xơ gan để đến bệnh viện thăm khám, chẩn đoán, có phương pháp điều trị phù hợp.
Các cách điều trị bệnh xơ gan thông dụng
Điều trị bệnh xơ gan phụ thuộc vào tình trạng tổn thương gan của bệnh nhân. Mục tiêu của việc điều trị là làm chậm quá trình xơ quá tại gan, giảm triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng của xơ gan. Bệnh nhân có thể nằm viện dài ngày nếu tổn thương gan nặng.
Điều trị bệnh xơ gan thường theo nguyên nhân gây bệnh. Nếu tại giai đoạn sớm của xơ gan, giảm thiểu tối đa tổn thương tại gan là mục tiêu hàng đầu.
- Điều trị xơ gan do rượu: Bệnh nhân mắc xơ gan do uống quá nhiều rượu nên dừng việc uống rượu. Nếu việc ngừng uống rượu là quá khó đối với bệnh nhân, bác sĩ có thể tư vấn liệu trình cai rượu.
- Giảm cân: Nếu bệnh nhân xơ gan không do rượu mà do gan nhiễm mỡ, tình trạng bệnh có thể cải thiện nếu bệnh nhân giảm được cân và kiểm soát được lượng đường huyết.
- Thuốc điều trị bệnh gan: Một số thuốc có thể làm ngăn ngừa quá trình tổn thương tế bào gan do viêm gan B và viêm gan C.
- Thuốc kiểm soát triệu chứng xơ gan: Một số thuốc có thể làm chậm quá trình diễn biến bệnh xơ gan.
Bệnh xơ gan hay xảy ra biến chứng. Một số biến chứng thường gặp:
- Dịch cơ thể tăng cao: Chế độ ăn ít Natri và thuốc có thể ngăn ngừa việc tăng dịch trong cơ thể để kiểm soát phù. Chọc dịch ổ bụng có thể được sử dụng đến nếu bệnh nhân phù quá nặng.
- Tăng áp lực tĩnh mạch cửa.
- Nhiễm trùng: Kháng sinh sẽ được sử dụng cho bệnh nhân bị nhiễm trùng.
- Nguy cơ phát triển thành ung thư gan.
- Bệnh não gan.
Điều trị biến chứng trên nền bệnh nhân xơ gan rất phức tạp và đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều trị cũng như làm tăng chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Ghép gan cho bệnh nhân nếu tình trạng bệnh quá nặng. Nhưng việc tìm ra người hiến gan phù hợp là rất khó khăn, chưa kể đến tình trạng xã hội Việt Nam vẫn rất dè dặt trong việc hiến nội tạng.
Việc để các bệnh lý về gan phát triển thành bệnh xơ gan là việc rất nguy hiểm và gây rất nhiều khó khăn cho các bác sĩ để điều trị. Cách tốt nhất là phát hiện sớm về điều trị triệt để các vấn đề về gan khi còn chưa phát triển quá nhanh.