Alzheimer và các bệnh mất trí nhớ khác đang dần trở nên phổ biến ở người già, gây nên những hệ lụy cho chính họ và gia đình. Do đó, việc ngăn ngừa và điều trị căn bệnh này là một nhiệm vụ quan trọng của y học. Mới đây, các nhà khoa học đã đạt được bước tiến đáng kể khi tìm ra loại vắc xin có thể ngăn chặn và thậm chí trong một số trường hợp, đảo ngược khởi đầu của bệnh mất trí nhớ, bệnh Alzheimer và các bệnh có liên quan khác.
Trong các kết quả nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Báo cáo khoa học của Nature, các chuyên gia của Đại học Flinder, thuộc nhóm nghiên cứu cấp cao của Hoa Kỳ tại Viện Y học phân tử (IMM) và Đại học California, Irvine (UCI) đã bước đầu thành công trong việc sử dụng vắc xin phòng bệnh Alzheimer trên chuột thí nghiệm. Sắp tới, phương pháp mới này sẽ được xin cấp phép để thử nghiệm trên người.
Hai loại vắc xin riêng biệt: AV-1959R nhắm vào các protein amyloid và AV-1980R dành cho tau, đã được kết hợp với nhau để tạo ra phương thức điều trị mới. Điều quan trọng, các nhà khoa học đã kết hợp cùng với tá dược có tên AdvaxCpG giúp tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh hơn ở động vật được tiêm vắc-xin. Kết quả, sự kết hợp này đã tạo ra việc sản xuất kháng thể cho cả tau và beta-amyloid. Kháng thể này làm giảm mức độ của tau và beta-amyloid không hòa tan để không tạo ra các mảng và đám rối.
Protein β-amyloid tạo thành các mảng bám và protein tau hình các đám rối. Sự hiện diện của 2 thành phần này làm cản trở các tín hiệu trao đổi giữa các tế bào thần kinh đồng thời dẫn đến hiện tượng chết tế bào thần kinh, thúc đẩy sự suy giảm nhận thức và thoái hóa thần kinh trong bệnh Alzheimer.
Theo nhà nghiên cứu Nikolai Petrovsky đến từ trường đại học Flinders, Úc, trong trường hợp mọi thứ tiến triển tốt đúng như mong đợi, vắc xin có thể được đưa vào thử nghiệm trên người ít nhất 2 đến 3 năm tới. Ông cho biết “Nếu chúng tôi thành công trên các thử nghiệm tiền lâm sàng, 3 đến 5 năm tới có thể chúng tôi sẽ tiến gần đến một trong những cột mốc quan trọng nhất trong lịch sử y học thế giới“.
Petrovsky giải thích rằng: “Loại vắc xin này có thể được sử dụng nhằm cung cấp cho những người ở độ tuổi cụ thể, tốt nhất là 50 tuổi với mục đích ngăn chặn bệnh mất trí nhớ phát triển. Nó còn có khả năng giúp những người trong giai đoạn đầu của bệnh mất trí nhớ nhằm cố gắng đảo ngược quá trình này“.
Mỗi năm, trên toàn thế giới có 7,5 triệu trường hợp Alzheimer được chẩn đoán mới. Hiện tại với tình trạng dân số đang già đi và việc gia tăng bệnh tiểu đường tuýp 2 (một yếu tố chính gây nên bệnh Alzheimer) trong xã hội phương Tây, triển vọng này cực kì ảm đạm. Alzheimer là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến chứng mất trí nhớ ở tuổi già.
Trong những năm gần đây, hàng trăm hợp chất đã được thử nghiệm với mục tiêu tìm ra phương thức ngăn chặn bệnh mất trí nhớ, vắc xin phòng bệnh Alzheimer nhưng chỉ duy nhất 0,5 phần trăm trong số đó có hiệu quả trong việc giảm bớt những ảnh hưởng của căn bệnh này.
Đó không phải là một tỷ lệ thành công lớn và để phương pháp điều trị này trở thành hiện thực, một nền tảng vắc xin tiên tiến nhất mang tên MultiTEP đã được kết hợp với nhau để nhắm vào các protein gây ra các vấn đề trong não một cách hiệu quả nhất.
Các nhà khoa học từ trường đại học Flinders đã hợp tác chặt chẽ với Viện Y học phân tử (IMM) và trường đại học California, Irvine (UCI), Mỹ nhằm tạo ra công thức mới.
Trong khi chúng ta chưa biết liệu loại vắc xin này có hiệu lực trên người hay không và phải mất vài năm nữa mới có thể thử nghiệm được, các nhà khoa học vẫn rất hy vọng về tiềm năng một loại vắc xin mới phòng bệnh Alzheimer có thể ngăn chặn được vấn đề sức khỏe đang diễn biến khá nghiêm trọng hiện nay.
Các kết quả nghiên cứu mới nhất đã được công bố trong tạp chí Scientific Reports.
Source: Suckhoedoisong, Scientific Reports