Rất nhiều hãng công nghệ nổi tiếng đã tạo ra sản phẩm dựa trên công nghệ trí tuệ thông minh nhân tạo (Al) để giải quyết, hỗ trợ con người trong tất cả các lĩnh vực của đời sống, đặc biệt trong lĩnh vực y tế như nhận diện hình ảnh, xử lý dữ liệu của bệnh nhân để đưa ra phác đồ điều trị, hỗ trợ phẫu thuật, sản xuất thuốc…
1. Phẫu thuật với sự hỗ trợ từ robot có công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI)
Robot có giá trị ước tính 40 tỉ USD với ngành chăm sóc sức khỏe, có thể phân tích nhiều dữ liệu, từ hồ sơ tiền y tế cho đến các công cụ cần dùng trong cuộc phẫu thuật. Ứng dụng robot có thể giúp giảm 21% thời gian nằm viện của bệnh nhân. Các cuộc phẫu thuật với sự hỗ trợ của robot còn được xem là có tính “xâm lấn tối thiểu”, vì thế bệnh nhân không cần thời gian để bình phục các vết thương lớn.
Thông qua AI, robot có thể dùng dữ liệu từ các cuộc phẫu thuật trước để thông báo kỹ thuật phẫu thuật mới. Kết quả tích cực là đặc biệt hứa hẹn. Một nghiên cứu thực hiện trên 379 bệnh nhân chỉnh hình cho thấy quy trình với robot có sự hỗ trợ của AI gây ra ít biến chứng hơn gấp năm lần so với các cuộc phẫu thuật chỉ có bác sĩ phẫu thuật.
Robot vừa lần đầu được dùng trong một cuộc phẫu thuật mắt, và robot phẫu thuật tiên tiến nhất là Da Vinci thì cho phép các bác sĩ thực hiện nhiều quy trình phức tạp, với sự kiểm soát tốt hơn so với phương pháp thông thường. Bác sĩ phẫu thuật tim được Heartlander, một robot thu nhỏ hỗ trợ, có thể thông qua một vết rạch nhỏ trên ngực để thực hiện trị liệu bề mặt tim.
Robot phẫu thuật Da Vinci
2. Trợ lý y tá ảo
Từ tương tác với bệnh nhân, hướng dẫn bệnh nhân cho đến thực hiện các biện pháp chăm sóc hiệu quả nhất, trợ lý y tá ảo có thể tiết kiệm cho ngành chăm sóc sức khỏe 20 tỉ USD mỗi năm. Vì trợ lý y tá ảo sẵn sàng 24/7, họ có thể trả lời các câu hỏi, theo dõi bệnh nhân và cung cấp câu trả lời nhanh chóng. Hầu hết các ứng dụng của trợ lý y tá ảo ngày nay cho phép bệnh nhân và nhân viên y tế giao tiếp thường xuyên hơn giữa các lần thăm khám tại bệnh viện, và tránh chuyện bệnh nhân phải nhập viện hoặc thăm khám không cần thiết. Trợ lý y tá ảo Care Angel còn có thể kiểm tra sức khỏe thông qua giọng nói và AI (trí tuệ nhân tạo).
3. Hỗ trợ chẩn đoán lâm sàng
Việc dùng AI để chẩn đoán cho bệnh nhân vẫn còn ở bước đầu, song đã có nhiều ứng dụng thú vị. Nghiên cứu của Đại học Standford thử nghiệm thuật toán AI để phát hiện ung thư da, và nó thực hiện thao tác ở mức như con người. Một hãng phần mềm AI của Đan Mạch thì thử chương trình học sâu bằng cách cho máy tính nghe lỏm khi con người thực hiện các cuộc gọi khẩn. Thuật toán phân tích nội dung người nói, giọng nói, âm thanh nền và phát hiện tim ngừng đập với 93% tỷ lệ thành công, cao hơn so với mức 73% do con người thực hiện.
Baidu Research gần đây thông báo kết quả của các thử nghiệm sớm về thuật toán học sâu chỉ ra rằng nó có thể làm tốt hơn con người trong việc xác định di căn ung thư vú. Thủ tướng Anh Theresa May cho hay cuộc cách mạng AI sẽ giúp Cơ quan Y tế Quốc gia Anh (NHS) dự báo những người đang có ung thư giai đoạn đầu, cuối cùng ngăn chặn hàng ngàn ca tử vong liên quan đến ung thư vào năm 2033. Thuật toán kiểm tra hồ sơ y tế, thói quen, thông tin di truyền được gộp lại từ các tổ chức từ thiện y tế.
4. Giúp gánh bớt khối lượng công việc và nhiệm vụ quản trị
Một cách khác mà AI có thể tác động đến chăm sóc sức khỏe là tự động hóa các tác vụ quản trị. Dự kiến, điều này có thể giúp tiết kiệm 18 tỉ USD cho ngành y tế vì máy móc có thể giúp bác sĩ, y tá và nhiều nhân viên khác tiết kiệm thời gian xử lý công việc. Công nghệ như chuyển ngữ từ giọng nói sang văn bản có thể giúp sắp xếp kết quả xét nghiệm, kê toa thuốc và viết ghi chú biểu đồ. Một ví dụ về việc sử dụng AI hỗ trợ nhiệm vụ quản lý là quan hệ đối tác giữa IBM và phòng khám Cleveland Clinic. Siêu máy tính Watson của IBM được dùng để khai thác dữ liệu lớn, giúp các bác sĩ cung cấp trải nghiệm điều trị cá nhân hóa và hiệu quả hơn.
Tại Việt Nam, Trung tâm dịch vụ y tế online TeleHealth Center 24/7 tại Phòng khám Đa khoa Dr.Binh kết nối đồng bộ với Trung tâm Call Center của CCM (Nga) ứng dụng công nghệ Trí tuệ nhân tạo (AI), bệnh nhân và bác sĩ của phòng khám có thể tương tác thông qua Chatbox, nhận dạng khuôn mặt, giọng nói, khám và điều trị từ xa qua tổng đài chăm sóc khách hàng tự động. Công nghệ Điện toán đám mây sẽ giúp bác sĩ phân tích cơ sở dữ liệu y tế như bệnh, thuốc, đưa ra phương pháp điều trị tối ưu cho bệnh nhân. Đây là dịch vụ y tế mới, hứa hẹn sẽ tạo nhiều thay đổi, đặc biệt trong nhận thức phòng bệnh hơn chữa bệnh, cũng như giảm tải rất nhiều cho bệnh viện tuyến trên.
Trung tâm dịch vụ y tế online TeleHealth Center 24/7 tại Dr.Binh Tele_Clinic
5. Phân tích hình ảnh
Hiện tại, việc phân tích hình ảnh tốn rất nhiều thời gian của nhân viên y tế. Song một nhóm nghiên cứu do Đại học MIT dẫn dắt vừa phát triển thuật toán máy học có khả năng phân tích bản scan 3D nhanh hơn 1.000 lần so với hiện thời. Việc đánh giá tức thì như thế có thể giúp bác sĩ đang trong ca phẫu thuật có nguồn thông tin quan trọng.
CÔng nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) cũng được kỳ vọng sẽ cải thiện thế hệ công cụ X-quang kế tiếp mà không phụ thuộc vào các mẫu mô. Phân tích hình ảnh bằng AI còn có thể hỗ trợ bệnh nhân tại nhiều vùng sâu vùng xa, nơi không có điều kiện tiếp cận dễ dàng với các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Các cuộc gọi y tế cũng có thể hiệu quả vì bệnh nhân có thể dùng camera điện thoại gửi ảnh vết xước, chỗ phát ban để được xác định biện pháp chăm sóc cần thiết.
Trong thế giới y tế phức tạp, các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) có thể hỗ trợ nhân viên y tế cung cấp dịch vụ nhanh chóng hơn, chẩn đoán các vấn đề và phân tích dữ liệu để xác định xu hướng và thông tin gen di truyền có thể gây nguy hiểm cho một bệnh nhân nào đó. Tiết kiệm vài phút đồng nghĩa với việc cứu thêm được nhiều mạng người. Vì thế, AI và công nghệ học máy có thể thay đổi không chỉ cả ngành y mà còn thay đổi cuộc sống của từng bệnh nhân.
Nguồn: Forbes